Giữ vững ngôi vương trong suốt 14 năm về xuất khẩu hồ tiêu ra thế giới, đến nay sức nóng của hồ tiêu Việt Nam vẫn chưa hạ nhiệt.
Khác với các mặt hàng nông sản khác, hồ tiêu sau thu hoạch có thể để tồn kho 2-3 năm nhưng không làm giảm chất lượng của tiêu. Do đó, người trồng tiêu có thể tự điều tiết giá và sản lượng bán - điều chưa từng xảy ra ở các mặt hàng nông sản khác. Ngay cả thế giới cũng chưa có nước nào làm được như nông dân trồng tiêu Việt Nam, theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam.
Còn ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, thì cho biết: “Nông dân trồng tiêu bây giờ đã tân tiến rất nhiều. Họ có thể theo dõi giá bán hằng ngày thông qua bản tin của Hiệp hội và quyết định bán hay không”.
Nóng như hồ tiêu Việt
Giữ vững ngôi vương trong suốt 14 năm về xuất khẩu hồ tiêu ra thế giới, đến nay sức nóng của hồ tiêu Việt Nam vẫn chưa hạ nhiệt khi người người, nhà nhà vẫn đổ xô đi trồng tiêu. Điều này cũng dễ hiểu vì doanh thu từ hồ tiêu cao hơn bất kỳ loại cây công nghiệp lâu năm nào khác: 1 ha hồ tiêu đạt hơn 14.200 USD (hơn 300 triệu đồng), cao gấp 5,2 lần so với cà phê, 5,6 lần so với cao su và 8 lần so với chè và điều.
Điệp khúc “được mùa mất giá” thường xảy ra ở ngành cà phê, cao su... nhưng lại chưa bao giờ đúng đối với ngành tiêu. Điều này được minh chứng qua việc giá tiêu luôn trong xu hướng tăng và ở mức cao ngất ngưởng.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, từ năm 2007 đến nay giá hồ tiêu luôn giữ ổn định ở mức 180.000-200.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 220.000 đồng/kg. Tiêu Việt không có xu hướng giảm giá vì nông dân trồng tiêu luôn biết cách găm hàng chờ thời điểm bán ra, dẫn đến khan hiếm tiêu trên thế giới và giá ngày càng tăng. Thậm chí, doanh nghiệp xuất khẩu tiêu cũng bị nông dân chi phối giá.
Trong quy hoạch phát triển hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích cả nước duy trì ổn định ở mức 50.000 ha, sản lượng đạt 140.000 tấn/năm. Nhưng hiện nay, diện tích đã tăng lên 80.000 ha, theo ông Nam, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam. Với đà tăng này, sản lượng hồ tiêu sẽ tăng lên 200.000 tấn/năm trong vài năm tới. Lúc đó hồ tiêu Việt Nam có khả năng bị dư thừa sản lượng khá lớn và có thể giá sẽ giảm.
Theo thông tin từ báo cáo ngành tiêu, tính đến tháng 8 vừa qua, giá xuất khẩu tiêu của Việt Nam và Ấn Độ hiện ở mức cao nhất thế giới. Nếu giá có giảm thì vẫn đủ sức cạnh tranh so với các nước có giá tiêu xuất khẩu thấp hơn như Indonesia, Brazil, Sri Lanka... Lúc đó, tiêu Việt Nam có giá rẻ hơn hiện nay nhưng có thể lấy thị phần từ những thị trường xuất khẩu khác vì Việt Nam đang có lợi thế chi phối giá thị trường tiêu thế giới.
“Lợi nhuận của người trồng tiêu lên tới 500%; nếu lợi nhuận có giảm còn 300% (do giá giảm) thì chắc chắn người dân vẫn chấp nhận trồng”, ông Nam nhận định.
Rủi ro chất lượng
Với diện tích trồng tiêu đang tăng nhanh, một số chuyên gia cho rằng, ngành tiêu đang phá vỡ quy hoạch nhà nước đề ra. Tuy nhiên, theo ông Nam, mức thu nhập của người dân hiện còn thấp; vì vậy, tăng diện tích trồng hồ tiêu để cải thiện cuộc sống cũng là cách giúp họ tăng thu nhập, nhất là khi nông dân Việt đang làm chủ giá bán trên thị trường thế giới. Khi người trồng hồ tiêu là người luôn chủ động quyết định giá hồ tiêu, sẽ giúp thị trường không bị lũng đoạn, góp phần cùng doanh nghiệp điều tiết giá hồ tiêu thế giới, ông Nam chia sẻ.
Các thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Singapore và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Đây cũng là 3 thị trường lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, chiếm gần 40% thị phần. Thị trường có giá trị tăng trưởng mạnh nhất là Đức với 41,5%, Thái Lan 38,8%, UAE 34,7%.
Tuy nhiên, việc trồng hồ tiêu tăng nhanh như hiện nay cũng có thể trở thành con dao 2 lưỡi. Diện tích tăng nhanh cùng với sự thâm canh quá mức bởi tâm lý nôn nóng muốn thu được sản lượng nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất, trong khi nông dân trồng hồ tiêu nhiều vùng, nhất là ở những nơi trồng mới, lại thiếu kinh nghiệm và thiếu kiến thức về canh tác. Nhiều nơi nông dân canh tác không theo quy trình, sử dụng giống trôi nổi, lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, cách bố trí vườn không đảm bảo cho cây tiêu giữ và thoát nước tốt. Kết quả là nhiều vườn tiêu mất 30-40% năng suất hoặc mất trắng, thậm chí xảy ra tình trạng tiêu chết hàng loạt.
Ngoài rủi ro trong sản xuất, ngành hồ tiêu cũng đang đối mặt với tình trạng nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật quá mức cho phép, có thể ảnh hưởng đến uy tín tiêu Việt Nam. Năm 2014, thị trường châu Âu, một trong những thị trường nhập khẩu hồ tiêu quan trọng nhất, đã giảm số lượng nhập khẩu, đặc biệt là Đức giảm hơn 50% vì cho rằng hồ tiêu Việt Nam thường có hàm lượng Carbedazim vượt mức cho phép.
Hồi tháng 5, Hiệp hội Gia vị châu Âu cũng cảnh báo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn châu Âu đối với tiêu đen Việt Nam. Châu Âu và Mỹ đều đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam thông báo dư lượng chất có trong tiêu vượt mức quy định. Nếu tình trạng không được khắc phục, họ sẽ xem xét lại việc nhập khẩu. Rõ ràng, nếu không chú trọng chất lượng, tiêu Việt Nam sẽ mất thị trường vào tay các nước khác.
Hơn nữa, khi nguồn cung trên thế giới dư thừa, hồ tiêu Việt Nam sẽ gặp nhiều rủi ro, bởi tỉ lệ tiêu chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế trong tổng sản lượng lại rất thấp. Do vậy, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã khuyến cáo nông dân ngay lập tức ổn định diện tích và đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng. “Cả thế giới biết đến tiêu Việt Nam, vì vậy phải giữ chất lượng và uy tín cho tiêu Việt”, ông Nam nói.
Theo Nhịp cầu đầu tư